1. Lễ Giáng sinh (Christmas Day)


Ở Anh người ta thường tổ chức lễ Giáng sinh ở nhà, trong gia đình. Người ta coi đó là ngày lễ toàn gia và họ hàng.


Người ta chuẩn bị cho lễ giáng sinh từ trước ngày đó khá lâu: gửi thiếp chúc mừng, trang trí cây giáng sinh đặt ở một nơi trang trọng trong nhà. Tập tục này đã trở thành truyền thống của Anh, và người phổ biến rộng rãi tập tục ấy chính là phu quân của Nữ hoàng Victoria. Prince Albert đã đưa tập tục này từ quê hương của ngài là nước Đức, vào nước Anh, vào năm 1840.

 


Các ngôi nhà được trang trí nhà bằng cây thường xanh (evergreens), một loại cây không rụng lá vào mùa đông. Mọi người treo một vòng hoa làm bằng cành ôrô ở cửa nhà và bày dây hoa, vòng hoa thường xuân, cây thông trong nhà. Người Anh thường treo một cành tầm gửi (mistletoe) trước cửa nhà; đôi nam nữ nào vô tình đi qua dưới cành cây ấy phải đứng lại hôn nhau rồi mới được đi tiếp! Ngươì ta cũng chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống: bánh thịt xay, một chiếc bánh Giáng sinh to và bánh pút đinh. Trong nhà mỗi người một khẩu vị nhưng nói tóm lại bụng ai cũng luôn luôn đầy những thứ như đồ nhắm, đậu lạc, quả sấy khô và rượu.

Người ta mua đủ các loại tặng phẩm, gói ghém đẹp đẽ rồi đặt xuống dưới chân cây thông Giáng sinh vào lúc nửa đêm Giáng sinh. Lễ Giáng sinh vừa là ngày thế tục vừa là ngày đạo giáo. Nhiều gia đình đi dự dạ lễ tại nhà thờ vào đêm Giáng sinh, hoặc tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà thờ vào buổi sáng Ngày Giáng sinh.


Đối với trẻ con thì giờ phút hồ hởi nhất chính là lúc bọn chúng treo bít tất cao cổ (một chiếc tất cũ, hoặc tham vọng hơn, chúng treo cả chiếc vỏ gối) xung quanh lò sưởi, hoặc ở đầu giường với hy vọng là Cha Giáng Sinh sẽ nhét đầy quà vào đó. Hình ảnh Cha Giáng Sinh của Anh, hoặc còn gọi là Ông Già Tuyết, trong bộ quần áo đỏ-trắng đã được lưu lại trên một bức tranh khắc được khắc từ năm 1653. Nhưng truyền thuyết Ông Già Tuyết đi xe do tuần lộc kéo đến từng nhà, tụt theo ống khói xuống phòng bọn trẻ nhét quà vào bít tất là truyền thuyết xuất phát từ Mỹ.


Theo tập tục mọi người trong nhà cùng ăn bữa cơm Giáng sinh vào chiều ngày Giáng sinh. Món ăn truyền thống là gà tây quay, nhưng cũng nhiều nhà thích vịt quay hoặc thịt bò rán hơn. Sau món gà tây là món bánh pút-đinh khi mang ra bàn vẫn còn nóng rực. Người ta đổ rượu mạnh lên bánh rồi châm lửa. Ngày Giáng sinh kết thúc bằng việc nghỉ ngơi, xem TV, chơi trò chơi hoặc đơn giản hơn là đi ngủ.


2. Boxing Day


Người ta gọi ngày 26 tháng 12 là ngày Boxing day (ngày nhận quà mừng) vì đó là ngày những người buôn bán thường nhận được một "Hộp quà Giáng sinh (Christmas Box), trong đó có một ít tiền tượng trưng mừng cho công việc làm ăn của họ trong suốt một năm.

Theo thông lệ, ngày này cũng chính là ngày đi thăm anh chị em trong nhà, họ hàng, bạn bè, ngày tiệc tùng lu bù. Boxing Day cũng thường là ngày tổ chức các trận bóng đá và các môn thể thao khác.


Boxing Day là ngày nghỉ cho nên các cửa hàng và ngân hàng đều đóng cửa. Tuy nhiên gần đây một số cửa hàng đã phá quy luật ấy, vẫn mở cửa vào ngày Boxing Day để khuyến khích các vị khách hàng đang muốn tiêu tiền trong dịp Lễ Giáng sinh.


3. Năm mới


Năm mới thường bắt đầu bằng một cuộc liên hoan, hoặc là ở nhà cùng gia đình hoặc là ở ngoài pub (quán rượu) hoặc câu lạc bộ cùng bạn bè. Không khí bừng vui vào thời khắc Giao thừa, lúc nửa đêm. Tiếng chuông đồng hồ điểm nửa đêm cũng là lúc điểm những giây phút náo nhiệt khi mọi người cùng húyt còi, huýt sáo, hôn nhau và nâng cốc.


Theo tập tục của Anh, người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc giao thừa sẽ là người báo hiệu sự may mắn của gia đình trong năm tới. Người ta gọi người này là "người xông nhà (First Footing)". Vào đêm ngày 31 tháng 12 , đặc biệt là ở Scotland và Bắc England, những người xông nhà (thường là người cao, da ngăm ngăm, đẹp trai) bước qua bậu cửa, mang vào nhà "sự may mắn tân niên" (New Year's Luck). Người xông nhà mang theo một cục than, một ổ bánh mỳ và một chai rượu. Khi bước vào nhà, anh ta bỏ cục than vào lò sưởi, đặt ổ bánh mỳ lên bàn, rót một cốc rượu cho chủ nhà. Mọi người không ai được nói gì, chờ người xông nhà chúc mọi người "Chúc Mừng Năm mới". Người xông nhà phải vào bằng cửa trước và ra bằng cửa sau.

Ở Wales đúng vào lúc đồng hồ điểm nửa đêm người ta mở toang cửa sau nhà để tiễn Năm Cũ đi, rồi sau đó khoá cửa ấy lại để giữ điều may mắn trong nhà, và khi tiếng chuông cuối cùng điểm, Năm Mới được đón vào nhà bằng cửa trước.


Ở Scotland Tết (Năm mới) vẫn là ngày lễ lớn nhất trong một năm. Tết ở đây được gọi bằng cái từ "Hogmanay" (một từ mà nghĩa của nó từ xưa đến nay chưa bao giờ được làm rõ). Đó là buổi tối mọi người tập trung rất đông ở sân nhà thờ Tron Kirk của Edinburgh và ở Quảng trường George của Glasgow để uống rượu, vui chơi chào đón năm mới. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm, họ quàng chéo tay nhau cùng hát bài "Auld Lang Syne" (Bài ca tình bạn)


4. Halloween


Halloween (31 tháng 10), ngày xuất hiện ma quỷ và phù thuỷ có nguồn gốc từ Đêm Năm Cũ của vùng Celt. Người Celt cho rằng vào đêm này phù thủy và ma quỷ xuất hiện đi lang thang khắp trên trái đất. Phù thuỷ và những sinh vật siêu nhiên vẫn tồn tại trong lòng người dân Anh. Vào ngày này từng đám trẻ con tụ tập, hoá trang thành ma quỷ chạy dong trên đường phố, rước đèn lồng Halloween. Đây là loại đèn làm bằng quả bí, một bên cắt hình mặt ma; khi đốt nến bên trong đèn thì mặt ma sáng lên. Trong những năm gần đây bọn trẻ sáng tạo thêm trò chơi "trick and treating" (doạ để xin quà: bọn trẻ đến từng nhà nói "cho chúng cháu quà hay để chúng cháu ra tay nào"). Mặc dù những tập tục này giống như ở Mỹ, nhưng nó là tục lệ có nguồn gốc ở England, gọi là "Đêm lừa" (Mischief Night). Trong đêm này bọn trẻ con tuyên bố đây là " đêm phi luật pháp", một đêm quy định được chơi những trò cợt nhả hoặc chơi khăm nhưng không bị trừng phạt (thường chơi vào đêm Ngày tháng Năm hoặc đêm Halloween).

 

Cuộc liên hoan Halloween (dành cho trẻ em) thường có những trò chơi thí dụ như đớp táo (apple bobbing). Trò này chơi như sau: thả một vài quả táo nổi trong chậu nước hoặc treo lơ lửng bằng một sợi giây mỏng. Trẻ con đứng xung quanh, tay quặt ra sau lưng, lấy táo bằng răng.


5. Lễ Phục sinh (Easter)


Easter là tên phỏng theo tên của nữ chúa mùa xuân của người Saxon là Eostre, người thường tổ chức tiệc tùng lễ hội vào kỳ xuân phân. Ngày nay Lễ Phục sinh là lễ của nhà thờ Thiên chúa để tưởng nhớ sự hồi sinh của Chúa Giê-xu. Ngày lễ này tổ chức vào một ngày Chủ nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4, theo lịch nhà thờ.


Theo truyền thống, người ta dùng trứng nhuộm màu, trứng đã được trang trí hoặc làm bằng sô cô la, gọi là Trứng Phục sinh, để làm quà tặng cho nhau. Người ta coi đó là biểu tượng của một cuộc sống mới và của một mùa xuân đang tới.

 

Thi lăn trứng thường được tổ chức ở miền Bắc nước Anh (Britain) vào ngày Thứ hai Phục sinh (Easter Monday). Trứng luộc cứng được thả theo một cái dốc. Tuỳ theo địa phương khác nhau người ta quy định cách thắng cuộc khác nhau. Có địa phương coi người nào lăn được xa nhất là người thắng cuộc; những địa phương khác lại coi người thắng cuộc là người có trứng không vỡ qua nhiều lần lăn, hoặc lăn được trứng qua giữa hai cái cọc. Trò chơi được nhiều ngươi ưa thích nhất này được tổ chức ở Công viên Avenham ở Preston, Lancashire.


Cuộc diễu hành phục sinh cũng là một thành tố của lễ hội Phục sinh truyền thống. Những người tham gia diễu hành đội mũ hoặc mũ rộng vành có trang trí các loại hoa mùa xuân và giải mũ.

Sưu tầm

=================
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trung tâm Bright Education Centre
Số 57, ngõ 295 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline - Ms Thao - 0987.905.529
Website: www.bec.edu.vn
Email: phuongthaobec@gmail.com